Hôm nay | 75 |
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944; quê quán: xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia công tác ngày 05 tháng 12 năm 1967; vào Đảng ngày 19 tháng 12 năm 1967
Tóm tắt tiểu sử đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944; quê quán: xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia công tác ngày 05 tháng 12 năm 1967; vào Đảng ngày 19 tháng 12 năm 1967.
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC:
- Tháng 12/1967: Đồng chí làm cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản); ngày 19 tháng 12 năm 1967, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Tháng 8/1968 - Tháng 8/1973: Đồng chí là cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản; đi thực tế ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội); làm Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản.
- Tháng 9/1973 - Tháng 4/1976: Đồng chí làm nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
- Tháng 5/1976 - Tháng 8/1980: Đồng chí làm cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Chi bộ.
- Tháng 9/1980 - Tháng 8/1981: Đồng chí học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
- Tháng 9/1981 - Tháng 7/1983: Đồng chí là thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
- Tháng 8/1983 - Tháng 8/1987: Đồng chí làm Phó Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
- Tháng 9/1987 - Tháng 02/1989: Đồng chí làm Trưởng Ban Xây dựng Đảng; Phó Bí thư Đảng uỷ (từ tháng 7/1985 - tháng 12/1988), Bí thư Đảng uỷ cơ quan Tạp chí Cộng sản (tháng 12/1988 - tháng 12/1991).
- Tháng 3/1989 - Tháng 4/1990: Đồng chí làm Uỷ viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.
- Tháng 5/1990 - Tháng 7/1991: Đồng chí làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
- Tháng 8/1991 - Tháng 8/1996: Đồng chí làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
- Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (tháng 01/1994), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
- Tháng 8/1996 - Tháng 02/1998: Đồng chí làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.
- Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 12/1997), Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
- Tháng 02/1998 - Tháng 01/2000: Đồng chí phụ trách công tác Tư tưởng - Văn hoá và Khoa giáo của Đảng.
- Tháng 3/1998 - Tháng 11/2006: Đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (tháng 11/2001 - tháng 8/2006).
- Tháng 8/1999 - Tháng 4/2001: Đồng chí Tham gia Thường trực Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Tháng 01/2000 - Tháng 6/2006: Đồng chí làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội các khoá XII, XIII, XIV.
- Tháng 5/2002 - đến nay: Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV.
- Tháng 6/2006 - Tháng 7/2011: Đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
- Tháng 01/2011 - đến nay: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá XI, XII, XIII, Bí thư Quân uỷ Trung ương.
- Tháng 02/2013 - đến nay: Đồng chí làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Tháng 8/2016 - đến nay: Đồng chí tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.
- Tháng 10/2018 - 4/2021: Đồng chí làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
- Tháng 4/2021 - đến nay: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Do có nhiều công lao to lớn và đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế: "Huân chương Vàng quốc gia" của Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, "Huân chương Hữu nghị" của Đảng và Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, "Giải thưởng Lênin" giải thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga; "Huân chương José Marti" của Đảng, Nhà nước Cộng hoà Cu Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.
I – LỜI MỞ ĐẦU:
“Nếu bạn biết được lãnh đạo tối cao của một đất nước, bạn có thể nhìn được tương lai của đất nước đó trong 10 năm tiếp theo. Nhìn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể thấy tương lai phát triển của Việt Nam, bởi ông là người đã kết hợp và duy trì rất tốt lý luận của Chủ nghĩa Cộng sản với lợi ích của nền kinh tế thị trường, giống như hai dòng nước kết hợp với nhau tạo thành cơn sóng lớn đưa ra biển Thái Bình Dương, cũng như hình ảnh của Việt Nam đang tiến ra thế giới”.
Đó là lời ghi chú nhanh của cuốn sách "Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng" của nhà văn người Hàn Quốc Cho Chul-hyeon - nhà văn đầu tiên trên thế giới viết riêng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
II - TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHÀ LÃNH ĐẠO LỖI LẠC CÓ CỐNG HIẾN TO LỚN VÌ HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM
Giới chuyên gia, học giả nhiều nước trên thế giới đã có những đánh giá khẳng định vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Jayachandra Reddy, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara (Ấn Độ), nhận định dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, từ một quốc gia nông nghiệp bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất châu Á.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại New Delhi, Giáo sư Reddy nhấn mạnh sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa đất nước Việt Nam vượt qua nhiều thách thức, thông qua các chính sách nhằm tạo ra khuôn khổ kinh tế để tăng trưởng và giảm nghèo; tạo ra môi trường hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp; chuyển đổi kinh tế nông thôn; tăng cường nguồn nhân lực có năng lực quốc tế; cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiệu quả; cải thiện chất lượng môi trường; xây dựng quản trị hiện đại với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; và xây dựng lòng tin ở cấp độ toàn cầu.
Ông Reddy cũng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam luôn ưu tiên duy trì phúc lợi xã hội, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường các hoạt động xóa đói, giảm nghèo. Là một quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, lực lượng lao động trẻ, năng động, khéo léo, chính trị - xã hội ổn định, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
Đề cập những đóng góp của Tổng Bí thư trong việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước, Giáo sư Reddy nhận định với cách tiếp cận “ngoại giao cây tre” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, Việt Nam đã duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp với các nước. Ngoài công việc chính trị và ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là nhân vật chủ chốt trong công tác giáo dục tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh các nguyên tắc Marx - Lenin đồng thời khuyến khích các cách tiếp cận thực tế trong quản trị. Cũng theo chuyên gia trên, là người tin tưởng sâu sắc vào hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn khắc sâu “văn hóa là linh hồn của dân tộc”. Giáo sư Reddy tổng kết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà tư tưởng, nhà văn hóa, lá cờ lý luận của Đảng. Ông đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, ông Ueno Tomio, nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, liêm chính và năng lực lãnh đạo xuất chúng. Trong công tác đối ngoại, bản sắc “ngoại giao cây tre” và đường lối đối ngoại độc lập dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhà nghiên cứu Tomio cũng cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn vào việc làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.
Trong khi đó, Giáo sư Hirohide Kurihara, một chuyên gia về Việt Nam, nêu bật những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Kurihara nhấn mạnh Tổng Bí thư đã tiến hành đấu tranh mạnh mẽ chống tham ô, tham nhũng, đồng thời nghiêm khắc thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Ông đánh giá đây là một sự thay đổi lớn trong giai đoạn lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phóng viên TTXVN tại Rome cũng đã thực hiện phỏng vấn ông Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni và ông Giulio Chinappi, Phụ trách khu vực châu Á của Anteo Edizioni, cơ quan đã xuất bản bản dịch tiếng Italy tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Bonilauri nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân vật trung tâm trong lịch sử cận đại của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo đất nước hướng tới sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, chỉnh đốn và đảm bảo Đảng luôn giữ vững những nguyên tắc cốt lõi của mình. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, khẳng định tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp chính quyền; truy tố những người vi phạm pháp luật nhà nước và các quy định của Đảng. Cống hiến của Tổng Bí thư cho hạnh phúc của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua các chính sách nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Bonilauri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn về lý luận chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chứng minh khả năng phát triển đất nước theo mô hình này. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy mô hình kinh tế kết hợp các đặc điểm của chủ nghĩa xã hội với lợi ích của thị trường, tìm cách tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Những ý tưởng và thực tiễn của mô hình này đã cung cấp cơ sở lý thuyết quan trọng mà các quốc gia khác có mong muốn phát triển một nền kinh tế bao trùm, bền vững trong khi vẫn duy trì các giá trị xã hội chủ nghĩa có thể nghiên cứu và áp dụng.
Ông Bonilauri nêu rõ dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra cách tiếp cận “ngoại giao cây tre”, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành đối tác được tôn trọng và đáng tin cậy.
Trong khi đó, ông Chinappi đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khuyến khích việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra khắp thế giới, củng cố bản sắc dân tộc và thúc đẩy tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc khác. Ở Việt Nam, Tổng Bí thư chỉ đạo đẩy mạnh nhiều chương trình phát triển con người, thúc đẩy phát triển giáo dục và y tế trong nước nhằm đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mới, giúp Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo ông Chinappi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ lãnh đạo tương lai ở trong và ngoài nước. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự lãnh đạo liêm chính, cống hiến cho lợi ích chung và không ngừng theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.
III – NHỮNG CÂU NÓI SÂU SẮC, TÂM HUYẾT, ĐỂ ĐỜI CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều phát ngôn, lời nói ấn tượng, giản dị và sâu sắc, gần gũi, đầy tính triết lý, có sức lay động, truyền cảm hứng cho mỗi đảng viên và mỗi người dân, củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước.
Tại buổi lễ nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng diễn ra ngày 2/2/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động bày tỏ tình cảm của mình với Đảng bằng cách dẫn lời của một bài ca:
"Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản".
Tổng Bí thư nhớ nằm lòng câu nói của người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin, nhân vật trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga Nicolai Ostrovsky:
"Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân".
Đó chính là lý tưởng sống của Ông. Tổng Bí thư mong muốn lý tưởng tốt đẹp đó lan tỏa, thấm đẫm trong mỗi con tim khối óc của những đảng viên cộng sản nước nhà.
Một điều khiến người dân nhớ mãi về ông chính là vẻ đẹp nhân phẩm của một con người ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhưng vẫn khiêm cung, giản dị và vô cùng liêm chính. Tháng 11/2020, dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư về thăm thầy cô và mái trường nơi mình từng học hành, chân tình và cung kính xin phép xưng em với thầy cô...
"Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (thời điểm năm 2020- PV) nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và các bạn học".
Sự giản dị của Tổng Bí thư còn được thể hiện qua những lời nói đầy cứng rắn nhưng cũng vô cùng khiêm tốn, trong đó có thể nhắc đến những lời phát biểu trước Quốc hội khi nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đã nhắc nhớ về cảm giác khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội với hai câu thơ:
"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay".
Hay khi tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư đã chia sẻ:
"Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành".
Trong công tác đối ngoại, trong bài phát biểu chỉ đạo kéo dài hơn 60 phút tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra ở Hà Nội sáng 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đi thông điệp quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.
"Cây tre Việt Nam gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được", Tổng Bí thư nói và nêu lại câu thơ: "Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?".
Một trong những dấu ấn đọng lại trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ khóa XI đến nay là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh gắn liền với nhiều câu nói thấm thía của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà khi nhắc tới, nhiều người gọi ông là "người đốt lò vĩ đại".
Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sáng 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội.
"Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".
Tại buổi họp báo sau Đại hội XIII ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tinh thần chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, sát Đại hội vẫn xử lý nhiều cán bộ.
"Tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm".
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 vào ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".
Do đó, "mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, "ngậm miệng ăn tiền" hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng".
Theo Tổng Bí thư, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Vì vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác.
Tại nhiều cuộc họp khác nhau, Tổng Bí thư đều nhất quán quan điểm:
"Mọi đảng viên đều phải tự gột rửa, tự sửa mình". Về công tác đánh giá cán bộ thì "Đừng nhìn gà hoá cuốc", "Đừng thấy đỏ tưởng là chín".
Ông ghét thói cục bộ, bản vị, bè phái, kiểu "Cua cậy càng, cá cậy vây". Ông cũng không ít lần căn dặn lãnh đạo, cán bộ, đảng viên: "Đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ". Điều quan trọng là đạo đức, danh dự.
"Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất",
Tổng Bí thư căn dặn tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9/2021.
Tổng Bí thư luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, thể hiện qua nhiều bài viết, bài phát biểu. Tổng Bí thư nói: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn... Do đó, nếu mất văn hóa là mất dân tộc".
Bàn về hạnh phúc của đời người, Ông chia sẻ giản dị:
"Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".
"Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay",
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26/1/2021 và tại nhiều hội nghị quan trọng khi Tổng Bí thư tới dự và có các phát biểu chỉ đạo quan trọng.
"Ta là con cháu cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác. Chúng ta phải xác định quyết tâm ý chí như vậy", Tổng Bí thư nói.
Dự và phát biểu tại các Hội nghị Chính phủ với địa phương thường được tổ chức vào đầu năm để triển khai nhiệm vụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều mong muốn và chúc Chính phủ, chính quyền các cấp cố gắng, nỗ lực phấn đấu để năm sau nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm trước. "Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang kỳ vọng, đòi hỏi và trông chờ ở chúng ta, ở các đồng chí", Tổng Bí thư nêu rõ.
Thấm nhuần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ luôn nỗ lực, vượt khó vươn lên để kết quả năm sau cao hơn năm trước. Tại các hội nghị, phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đều quán triệt, nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi" trước mọi khó khăn, thách thức, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm" để làm sao kết quả tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tăng trưởng vượt kịch bản đề ra.
Những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chính là việc làm "biến đau thương thành hành động", là bông hoa đẹp kính dâng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân.
IV – CUỘC ĐỜI SỐNG, LÀM VIỆC, CÔNG HIẾN CHO ĐẾN TẬN HƠI THỞ CUỐI CÙNG CỦA TỔNG BÍ THƯ ĐÃ TRUYỀN CẢM HỨNG CHO THẾ HỆ TRẺ
Với thế hệ trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba, một người cộng sản chân chính, mà còn là hình mẫu của người lãnh đạo luôn vì lợi ích nhân dân, đất nước. Ý chí vươn lên, học hỏi không ngừng nghỉ của Tổng Bí thư là tấm gương để tuổi trẻ noi theo.
Mỗi công dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ sẽ luôn luôn biết ơn, quý trọng tâm sức, trí tuệ mà cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cho Đảng, dân tộc và đất nước. Những cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập của đất nước để "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", đồng thời truyền cảm hứng sâu sắc cho thế hệ mai sau tự tin lập thêm nhiều kỳ tích, làm rạng danh non sông, đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ nỗ lực phấn đấu trong học tập, sản xuất, lao động, chiến đấu, rèn luyện đạo đức, thật sự là lực lượng tiên phong, xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những ngày qua, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại vô vàn tiếc thương trong lòng người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, trong đó có thế hệ trẻ. Bằng nhiều cách thể hiện khác nhau: Xếp hàng tới viếng, chia sẻ cảm xúc, thay ảnh đại diện trên mạng xã hội hay tình nguyện tham gia phục vụ các nội dung trong 02 ngày Quốc tang..., nhiều bạn trẻ đã bày tỏ lòng kính trọng, niềm tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều nhạc sĩ chuyên và không chuyên đã sáng tác nhiều bài hát để bày tỏ tình cảm của mình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều bài hát đã mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người nghe.
Nguồn tham khảo:
[1]https://baochinhphu.vn/tieu-su-tom-tat-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-102246689.htm
Trung Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng.
Địa chỉ : Đường Cẩm Bắc 7, KDC Đông Phước - Cẩm Lệ - Đà Nẵng
Điện thoại : (0236) 3638776. Fax : (0236) 3638771
Email :
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
. Website: www.quatestdanang.com.vn
Copyright 2014